Công ty Shanghai 99 Readers" Culture Co., Ltd., - chủ sở hữu của trang bán hàng này - đang có kế hoạch sản xuất cả phần mềm đọc e-book thông qua hệ thống cửa hàng của Apple vào cuối năm nay, nhằm cạnh tranh với xu hướng phát triển ngày càng mạnh của máy tính bảng và điện thoại thông minh.
Huang Yuhai, chủ tịch công ty cho biết, người dùng điện thoại nếu mua phần mềm này sẽ có thể mua các ấn bản ebook với giá chỉ bằng 60% so với giá sách in. "Internet là một cái giá sách khổng lồ”, anh nói thêm. Huang khẳng định, anh tự tin vào khả năng có thể làm thay đổi ngành xuất bản trong kỷ nguyên Internet.
"Tôi không thể tiết lộ số đầu sách e-book đã sẵn sàng cho độc giả download trong năm nay. Nhưng chúng tôi đã có bản quyền của hơn 1.500 đầu sách”, ông nói. Trong số đó có các tác phẩm ăn khách của Dan Brown lẫn các áng văn chương kinh điển của nhà văn đoạt giải Nobel 2010 Mario Vargas Llosa.
Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế - một doanh nghiệp chuyên về phân tích thị trường - dự đoán, Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng hơn 2,5 triệu máy tính bảng trong năm 2011, cao gấp bốn lần so với năm 2010.
Học viện Báo chí và Xuất bản Trung Quốc vừa tiến hành một khảo sát về thói quen đọc sách của người Trung Quốc năm 2010. 3,9% trong số hơn 19.500 người tham gia cho biết, họ thường chỉ đọc qua điện thoại. Con số này cao gấp 3 lần so với kết quả của một khảo sát tương tự được thực hiện năm 2009.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, các nhà xuất bản truyền thống ở Trung Quốc đang cật lực tìm ra giải pháp để vượt qua giai đoạn khủng hoảng trước sự lấn lướt của e-book. Những nhà xuất bản này đang sử dụng các tiểu blog như một công cụ để quảng bá cho sản phẩm của mình - cách đơn giản và hiệu quả nhất mà họ có thể tận dụng được từ internet. Với cách này, weibo của NXB Văn học Nhân dân - đơn vị lớn và có uy tín nhất trong làng xuất bản truyền thống của Trung Quốc đã có khoảng 350.000 người theo dõi.
NXB đã có 60 năm hoạt động này đã dùng tải khoản weibo để thông tin về những đầu sách mới nhất đồng thời tạo kênh tương tác với độc giả.
"Năm nay, một số lượng lớn nhà xuất bản và các tác giả mở tiểu blog. Họ thường đưa những trang bìa chưa hoàn chỉnh, những tên sách chưa chính thức để kêu gọi độc giả đóng góp ý kiến”, Huang cho biết.
Sự thay đổi này cho thấy, các nhà xuất bản truyền thống đã buộc phải năng động hơn nhằm tìm kiếm độc giả cho mình.
"Xuất bản giấy đang bước vào thời kỳ khó khăn. Nó sẽ không chết ngay mà dần dà sẽ bị co cụm lại. Nói một cách lạc quan, thì những tạp chí in giấy như chúng tôi chỉ sống được 5 đến 10 năm nữa thôi”, Zhang Shuangwu, tổng biên tập tạo chí Blog Weekly nhận định.
|